Dù thất bại với HLV Philippe Troussier, nhưng đội tuyển Việt Nam sẽ lại đứng dậy và cho thấy rằng mình không e ngại trước bất cứ đại diện nào tại Đông Nam Á.

Có một chút thất vọng khi tôi thấy ĐT Việt Nam thua trận và HLV Philippe Troussier nói lời tạm biệt. Cho đến hiện tại, tôi vẫn tin rằng Troussier là một lựa chọn tốt của LĐBĐ Việt Nam thời hậu Park Hang Seo bởi những thống kê bóng đá số. Đó đáng ra phải là một bước đi rất tốt mới đúng. Troussier là một chiến lược gia dạn dày kinh nghiệm với bóng đá châu Á. Quan trọng hơn, ông ấy từng có thời gian làm việc tại Việt Nam trước đây.

Vậy nên, tôi đã nghĩ, lần tái ngộ này đáng ra phải suôn sẻ hơn. Nhưng điều đó sau cùng đã không xảy đến. Là một HLV ngoại, tôi có phần cảm thông với những gì HLV Troussier trải qua, nhất là khi ông đối diện với một giới truyền thông mạnh, từ báo chí đến mạng xã hội ở đất nước hình chữ S.

Đội tuyển Việt Nam sẽ đứng dậy và phát triển
Đội tuyển Việt Nam sẽ đứng dậy và phát triển

Tất nhiên, tôi hiểu và cảm thấy tiếc cho các CĐV Việt Nam. Hành động của các bạn đến từ tình yêu bóng đá, từ màu cờ sắc áo Việt Nam. Sự kỳ vọng rồi chuyển đến thất vọng với những gì ông Troussier đã làm trong các thất bại vừa rồi cũng khiến các CĐV không khỏi cay đắng. Dẫu sao thì, sau cơn mưa rồi trời lại sáng. Tôi tin rằng ĐT Việt Nam sẽ đứng dậy và cho tất cả thấy rằng mình không e ngại trước bất cứ đại diện nào của Đông Nam Á.

Về lộ trình lịch thi đấu tới đây, tôi tin rằng ĐT Việt Nam cần phải tìm ra HLV tiếp theo trong thời gian sớm nhất. Câu hỏi được đặt ra rằng, tiêu chí cho người kế nhiệm sẽ là ai? Chúng ta không thể dựa hoàn toàn vào những nhà môi giới hay mạng Internet. HLV ĐT Việt Nam phải là người có chuyên môn đủ tốt, đủ tầm, đủ đẳng cấp. Nếu ở bình diện V.League, Kiatisuk là một lựa chọn hợp lý. Ông ấy hiểu bóng đá Việt Nam và từng có kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển. Còn tất nhiên, một HLV ngoại từ châu Âu, Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng có thể đến Việt Nam làm việc. Sau cùng, quyết định sẽ do LĐBĐ Việt Nam đưa ra.

Nhưng tôi muốn nói thêm về một câu chuyện xa hơn chuyện lựa chọn HLV trưởng. Việc phân tích bức tranh của V.League hiện tại là điều cần thiết. Bởi đó đang là mặt trận chủ lực nuôi dưỡng các tuyển thủ quốc gia. Hạ tầng tập luyện, y tế, chế độ cần phải được nâng cấp để giải đấu này đủ tốt nhằm tạo ra những cầu thủ hàng đầu. Các cầu thủ Việt Nam cũng cần phải xuất ngoại nhiều hơn để nâng tầm khả năng.

Bên cạnh đó, câu chuyện nhập tịch các ngoại binh giỏi đang thi đấu ở V.League cũng là một phương án đáng thảo luận, cân nhắc. Song song với đó, chính các CLB cũng cần tập trung trọng điểm vào việc chỉ lấy ngoại binh chất lượng, thay vì dùng tràn lan “Tây” rẻ dẫn tới mất đi vị trí cho các nội binh. Tôi cũng muốn đóng góp ý kiến thế này. VFF có thể tính đến phương án xây dựng mạng lưới tuyển trạch viên trên toàn cầu để mở rộng phạm vi tìm kiếm, thuyết phục các cầu thủ có gốc gác Việt Nam đang chơi bóng ở nước ngoài, trở về đầu quân cho ĐTQG.

Một lời cuối, tôi muốn dành cho ông Troussier. Những cầu thủ trẻ mà ông đã trao cơ hội có triển vọng trong tương lai. Một số người trong số họ tuy không có màn trình diễn tốt trong tháng 3 này, nhưng tôi tin rằng, họ sẽ có bài học để trưởng thành.

Bình luận về những lý do khiến HLV Philippe Troussier phải rời ghế thuyền trưởng tuyển Việt Nam, cựu danh thủ Đặng Phương Nam có bài viết trên báo Thanh Niên cho biết: “Nguyên nhân nổi bật nhất dẫn đến thất bại của HLV Philippe Troussier chính là sự không phù hợp.

Không phù hợp ngay ở sự lựa chọn triết lý lối chơi, con người, mối quan hệ trong và ngoài phòng thay đồ và cuối cùng là những sai lầm và thiếu nhất quán trong những quyết định cá nhân của ông.

Từ chiến lược cho cả một chiến dịch đến kế hoạch, chiến thuật cho từng trận đấu và thời điểm cụ thể trên sân, từ đấu pháp nhập cuộc cho đến sự điều chỉnh cụ thể từng giai đoạn, từ lối chơi tổng thể đến từng tiểu tiết vị trí trên sân.

Không phủ nhận, kế hoạch ban đầu của HLV Troussier thực sự rất tốt, thậm chí còn được ví như cuộc cách mạng lớn của bóng đá Việt Nam. Vì ông dám nghĩ đến việc thay đổi lối chơi, thay đổi nếp nghĩ của rất nhiều cầu thủ đã quen với phong cách phòng ngự phản công; dám chọn một triết lý lối chơi khác hoàn toàn với người tiền nhiệm và tiếp cận với những xu hướng bóng đá chủ động và hiện đại hơn.

Và đặc biệt vì nhiều thời điểm dám bỏ qua vai trò, tầm ảnh hưởng của các cựu binh mà đặt hoàn toàn niềm tin vào các cầu thủ trẻ. Nhưng rất tiếc cuối cùng tất cả lại trở nên một cuộc cách mạng dang dở vì yếu tố không phù hợp đã đề cập”.